Rối loạn ám ảnh cưỡng chế gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống, làm giảm hiệu quả làm việc – học tập và tác động nặng nề đến tâm lý của người bệnh. Chính vì gây ra những ảnh hưởng và biến chứng nghiêm trọng nên không ít người băn khoăn Liệu rối loạn ám ảnh cưỡng chế có chữa được không?.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có chữa được không?
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một dạng lâm sàng của hội chứng rối loạn lo âu. Chứng bệnh này đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ý nghĩ một cách không chủ đích, có tính chất lặp đi lặp lại và tái diễn thường xuyên. Những ý nghĩ này tạo ra sự ám ảnh cùng với tâm lý lo lắng, căng thẳng và bồn chồn, từ đó thôi thúc người bệnh thực hiện các hành vi/ nghi thức cưỡng bức.
OCD có biểu hiện khá đa dạng nhưng đa phần bệnh nhân đều bị ám ảnh bởi sự ngăn nắp, trật tự, sạch sẽ quá mức và ám ảnh về việc bị nhiễm bệnh. Trước những ý nghĩ lặp đi lặp lại, bệnh nhân buộc phải thực hiện các hành vi như rửa tay nhiều lần, sắp xếp đồ đạc gọn gàng quá mức, vệ sinh bàn ghế, vật dụng thường xuyên, mất nhiều thời gian để kiểm tra xem đã đóng cửa, tắt bếp, khóa bình gas,… hay chưa.
Nếu không thực hiện các hành vi cưỡng chế, bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng, bức bối, lo âu và khó chịu. Khi phát sinh những hành vi này, các cảm xúc tiêu cực sẽ giảm đi nhưng bệnh nhân hoàn toàn không có cảm giác thích thú và vui vẻ. Nhiều bệnh nhân nhận thấy sự phiền toái và vô nghĩa khi phải lặp đi lặp lại một số hành vi nhưng không thể khống chế suy nghĩ.
Một số bệnh nhân có phản ứng chống đối bằng cách không thực hiện hành vi cưỡng bức sẽ gặp phải tình trạng căng thẳng quá mức, lo âu, lo lắng, bức bối, khó chịu. Kết quả là tạo ra sự thôi thúc mạnh mẽ cho đến khi bệnh nhân buộc phải thực hiện hành vi.
Sự phiền toái do chứng bệnh này gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và tâm lý của người bệnh. Do đó, “Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có chữa được không?” là mối bận tâm hàng đầu của người bệnh.
OCD là một dạng rối loạn lo âu mãn tính, đặc điểm dai dẳng và kéo dài. Bệnh thường khởi phát trong giai đoạn từ 15 – 25 tuổi và có xu hướng phát triển trong suốt cả cuộc đời. Trên thực tế, rất ít trường hợp có thể điều trị dứt điểm chứng bệnh này.
Tuy nhiên nếu được thăm khám, điều trị sớm kết hợp với chăm sóc đúng cách, triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ được cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân hoàn toàn có thể học tập, làm việc và ổn định cuộc sống. Đa phần những bệnh nhân thăm khám sớm và tích cực điều trị chỉ gặp phải một số triệu chứng nhẹ, không ảnh hưởng quá nhiều đến những khía cạnh của cuộc sống.
Ngoài ra, khoảng 40 – 50% trường hợp mắc OCD có triệu chứng nghiêm trọng dần theo thời gian. Những trường hợp này đa phần đều phát hiện bệnh muộn, chậm trễ trong điều trị, thời điểm khởi phát bệnh sớm (ở giai đoạn trẻ em), nghiện rượu bia, lạm dụng chất và mắc đồng thời với các bệnh tâm lý khác.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là bệnh mãn tính. Do đó, quá trình điều trị và chăm sóc cần phải được thực hiện dài hạn, đồng thời đòi hỏi sự nỗ lực của bệnh nhân và sự đồng cảm, hỗ trợ từ những người xung quanh. Nhìn chung, điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế còn gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng về cơ bản, các phương pháp có thể giảm nhẹ triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Tham khảo thêm:
- Bệnh lao phổi – Nguyên nhân, cách nhận biết và điều trị
- Dấu hiệu HIV là gì? Phổ cập kiến thức về căn bệnh HIV
Các phương pháp điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là dạng rối loạn lo âu tương đối ít gặp. Tuy nhiên, nhiều người nhầm lẫn biểu hiện của bệnh với tính cách kỹ lưỡng, ngăn nắp và sạch sẽ quá mức nên bệnh lý này khá được quan tâm trong những năm gần đây. Như đã đề cập, rối loạn ám ảnh cưỡng chế không thể chữa khỏi được mà chỉ có thể giảm nhẹ triệu chứng bằng một số phương pháp sau:
1. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là phương pháp chính trong điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Phương pháp này tập trung vào việc giúp người bệnh giảm sự ám ảnh với những suy nghĩ lặp đi lặp lại, từ đó ngăn chặn được các hành vi/ nghi thức cưỡng bức. Theo thời gian, bệnh nhân có thể chế ngự được hành vi của bản thân và giải tỏa cảm xúc căng thẳng, lo âu, bức bối do các ý nghĩ ám ảnh.
Tùy theo biểu hiện cụ thể của từng bệnh nhân, nhà trị liệu sẽ lựa chọn phương pháp tâm lý trị liệu phù hợp nhất. Ngoài mục đích giúp bệnh nhân chế ngự và giảm các hành vi cưỡng chế, phương pháp này còn trang bị cho người bệnh kỹ năng giải tỏa căng thẳng và biết cách điều chỉnh cảm xúc.
Hiện nay, tâm lý trị liệu là phương pháp an toàn và có ý nghĩ to lớn trong quá trình điều trị rối loạn lo âu nói chung và OCD nói riêng. Bên cạnh hình thức trị liệu cá nhân, chuyên gia sẽ đề nghị bệnh nhân thực hiện thêm liệu pháp gia đình và trị liệu theo nhóm để đạt kết quả tốt nhất.
2. Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc có thể làm giảm các triệu chứng do rối loạn ám ảnh cưỡng chế gây ra. Ngoài ra, thuốc còn giúp cải thiện tình trạng căng thẳng thần kinh, bức bối, lo âu và khó chịu ở bệnh nhân OCD.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế bao gồm:
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA)
- Thuốc chống co giật
Bệnh nhân OCD thường phải dùng thuốc dài hạn để kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tình trạng thái phát. Ngoài những lợi ích mang lại, sử dụng thuốc cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác dụng ngoại ý. Do đó, bệnh nhân và gia đình cần được hướng dẫn về cách nhận biết và xử trí khi gặp phải tác dụng phụ trước khi dùng.
3. Sốc điện & phẫu thuật
Sốc điện và phẫu thuật được cân nhắc khi rối loạn ám ảnh cưỡng chế không đáp ứng với thuốc và trị liệu tâm lý. Trong đó, sốc điện giúp cải thiện triệu chứng rõ rệt và giảm những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, chán nản, lo âu, phiền muộn,… Phương pháp này thường được áp dụng khi rối loạn ám ảnh cưỡng chế đi kèm với biểu hiện trầm cảm.
Ngoài ra, một số bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ bó liên hợp khứu hải mã. Phẫu thuật mang lại hiệu quả cho khoảng 25 – 30% trường hợp kháng thuốc và không có đáp ứng với trị liệu tâm lý. Can thiệp ngoại khoa đến não bộ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, phương pháp này chỉ được xem xét thực hiện khi bệnh nhân không có đáp ứng với bất cứ phương pháp nào.
4. Các biện pháp tự cải thiện
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là chứng bệnh mãn tính, có đặc tính dai dẳng và kéo dài. Các phương pháp điều trị hiện nay còn nhiều hạn chế nên bệnh nhân cần kết hợp thêm với các biện pháp tự cải thiện:
- Để giảm sự nghi ngờ về những sự việc đã thực hiện (khóa cửa nhà, tắt bếp, đóng cửa sổ, sắp xếp hành lý đầy đủ,…), bệnh nhân nên ghi chép lại những việc đã làm. Khi xuất hiện mối nghi ngờ, bệnh nhân nên kiểm tra lại sổ tay để tránh mất thời gian quay trở về nhà kiểm tra nhiều lần.
- Tránh tiếp xúc với những nguồn thông tin tiêu cực về bệnh tật, virus, vi khuẩn để giảm sự ám ảnh về việc rửa tay thường xuyên, lau dọn nhà cửa và rửa đi rửa lại chén bát.
- Trang bị cho bản thân những kỹ năng để giải tỏa căng thẳng và lo âu như thiền định, yoga, bơi lội, liệu pháp mùi hương, tắm nước ấm,… Bệnh nhân cũng cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học để giảm bớt sự lo âu và nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần.
- Tham gia các hội nhóm cho những người mắc chứng OCD để được chia sẻ, đồng cảm và có thêm kinh nghiệm nhằm vượt qua chứng bệnh này.
- Hướng bản thân đến giá trị cốt lõi của cuộc sống, tạo thái độ sống tích cực và lạc quan. Ngoài ra, cần nghiêm khắc với bản thân khi có ý định dùng rượu bia và chất gây nghiện.
Tham khảo thêm:
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có nguy hiểm không?
- Đặc điểm của hội chứng ám ảnh cưỡng chế là gì? Cách điều trị ra sao?
- Các loại rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường gặp bạn cần biết
Hy vọng qua những thông tin trên, bạn đọc đã hiểu rõ “Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có chữa được không? và có kiến thức nhất định về các phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Nếu nhận thấy bản thân có các biểu hiện bất thường, cần chủ động thăm khám để được chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời.