Bệnh OCD (Obsessive-Compulsive Disorder) còn gọi là chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể khiến bạn trở thành một người siêu sạch sẽ, siêu kỹ càng và siêu khó khăn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin về Các loại rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Cùng theo dõi nhé!
1. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là bệnh gì?
OCD là bệnh gì? Bệnh OCD hay còn gọi là hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-Compulsive Disorder) là một dạng rối loạn tâm thần đặc biệt, có xu hướng kéo dài với đặc điểm cụ thể là những suy nghĩ và hành vi lặp đi lặp lại, không thể kiểm soát được. Các triệu chứng của bệnh có thể xảy ra với mức độ và tần suất đa dạng tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một căn bệnh tâm lý dễ dàng nhận diện với sự xuất hiện của các ý nghĩ gây lo sợ. Những ý nghĩ này cũng không có lý do chính đáng nhưng vẫn khiến người bệnh phải thực hiện một hành vi nào đó lặp đi lặp lại một cách vô lý để giảm bớt lo âu. OCD là một rối loạn về mặt tâm lý mang tính chất mạn tính, tồn tại trong thời gian dài nên chúng có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người bệnh.
Theo thống kê của các viện nghiên cứu tâm lý thì hầu hết bệnh nhân mắc OCD thường xoay quanh các vấn đề gần gũi trong đời sống hằng ngày. Điển hình như lo sợ bị nhiễm khuẩn, sắp xếp đồ đạc chỉnh chu quá mức,… Đối với bệnh nhân mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế, họ luôn xuất hiện những ý nghĩ và hành vi lặp lại liên tục một cách vô lý nhưng không thể kiểm soát được.
Đặc trưng ở những người mắc OCD sợ nhiễm vi khuẩn, họ rửa tay rất nhiều lần mặc dù tay không hề bẩn. Tuy nhiên, nếu họ không rửa tay, ý nghĩ tay bẩn sẽ khiến họ cảm thấy rất khó chịu và bắt buộc họ phải đi rửa tay.
Mặc dù ít khi ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng OCD khiến các hoạt động sinh hoạt thường ngày, công việc, học tập và những mối quan hệ xung quanh người bệnh bị ảnh hưởng. Khi mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, người bệnh có thể ý thức được sự quá mức, vô lý của các hành vi của bản thân nhưng hoàn toàn không thể chống lại.
Tham khảo thêm:
- Bệnh lao phổi – Nguyên nhân, cách nhận biết và điều trị
- Dấu hiệu HIV là gì? Phổ cập kiến thức về căn bệnh HIV
2. Những loại rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường gặp
2.1 Nỗi ám ảnh về việc lau dọn nhà cửa
Nếu bạn bị ảnh hưởng bởi phân nhóm triệu chứng rối loạn ám ảnh lau dọn nhà cửa, bạn sẽ thường bị khó chịu với cảm giác ô nhiễm. Khi đó, bạn liên tục rửa hoặc lau sạch các bề mặt để làm giảm sự khó chịu đó.
Ví dụ, bạn thấy bàn tay của mình bị bẩn sau khi chạm vào tay nắm cửa hoặc lo lắng rằng vi khuẩn trên tay bạn sẽ lây lan sang người khác. Để thoát khỏi cảm giác này, bạn phải tự mình rửa tay liên tục hàng giờ đồng hồ. Trong mỗi lần rửa, bạn phải cố gắng chà thật mạnh hoặc dùng xà phòng diệt khuẩn để “trấn an” bản thân rằng vi khuẩn sẽ không còn trú ngụ ở bàn tay của mình nữa.
Điểm đặc trưng của dạng bệnh này là người bệnh rất thường xuyên dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, kể cả khi mọi thứ dường như không còn gì để dọn.
2.2 Những ám ảnh về tai họa
Nếu bạn gặp phải những triệu chứng ám ảnh dạng này, bạn sẽ thường có những suy nghĩ mãnh liệt về những tai họa có thể xảy ra với bản thân hoặc những người xung quanh. Vì thế, bạn phải thường xuyên kiểm tra để chắc chắn mình và mọi người đang được an toàn.
Ví dụ, khi bạn đi ra khỏi nhà, có thể bạn luôn tưởng tượng đến cảnh ngôi nhà của mình đang bị cháy. Mọi thứ trong nhà dần bị thiêu rụi. Từ đó, bạn luôn nóng lòng muốn trở về nhà ngay lập tức để kiểm tra và đảm bảo không có đám cháy nào xảy ra trong nhà của bạn.
Người bệnh thường lo sợ về mọi thứ xung quanh. Họ cho rằng tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào.
2.3 Rối loạn ám ảnh suy nghĩ ép buộc
Kiểu bệnh này thường liên quan đến những ám ảnh về điều không mong muốn xung quanh các chủ đề tình dục, tôn giáo hoặc sự xung đột.
Ví dụ, bạn có thể hình thành những suy nghĩ về việc trở thành kẻ hiếp dâm, bị hiếp dâm hoặc bạn sẽ tấn công một ai đó. Khi đó, bạn phải thường xuyên sử dụng những nghi thức tinh thần như cầu nguyện hoặc nghe kinh phật để giải tỏa những suy nghĩ không tự nguyện này.
Bệnh nhân không thể kiểm soát được ý nghĩ mình trở thành nạn nhân hoặc chủ động tấn công một ai đó.
2.4 Ám ảnh với sự sắp xếp
Khi mắc phải kiểu bệnh rối loạn ám ảnh này, bạn luôn cảm thấy cần phải sắp xếp mọi thứ xung quanh mình cho đến khi chúng “vừa phải”.
Ví dụ, bạn thấy mình cần phải liên tục sắp xếp tủ quần áo của mình để chúng gọn gàng và hệ thống về màu sắc. Kiểu bệnh rối loạn ám ảnh với sự sắp xếp cũng có thể liên quan đến việc suy nghĩ hoặc lặp đi lặp lại những câu nói cho đến khi bản thân hoặc người khác hoàn thành nhiệm vụ.
Đôi khi, kiểu rối loạn này khiến người bệnh tự dằn vặt bản thân khi có một sự cố đáng tiếc nào đó xảy ra trong cuộc sống.
Người bệnh luôn đặt ra yêu cầu rất cao với sự ngăn nắp và tính hệ thống. Những tiêu chuẩn của họ có thể làm người sống chung cực kỳ ngột ngạt.
2.5 Rối loạn ám ảnh tích trữ
Rối loạn ám ảnh dạng tích trữ là một chẩn đoán khác biệt trong cuốn “Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần”. Người mắc bệnh này thường xuyên thu thập những vật dụng cũ như sách báo, tạp chí, quần áo, hóa đơn, túi ni lông…
Không gian sống của bệnh nhân thường chật hẹp và quá tải với rất nhiều đồ cũ. Người bệnh thường xuyên lo lắng về việc mất đồ hoặc đến một ngày nào đó mình sẽ sử dụng những món đồ mình đang tích trữ.
Những người trong phân nhóm rối loạn ám ảnh tích trữ có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn bệnh nhân ở những phân nhóm rối loạn ám ảnh khác.
Bệnh nhân có xu hướng lưu giữ tất cả mọi thứ với suy nghĩ “rồi sẽ có lúc mình cần dùng đến”.
3. Mức độ phổ biến của hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Trong nhiều năm các chuyên viên về sức khỏe tâm thần cho rằng rối loạn ám ảnh cưỡng chế chỉ là một bệnh hiếm bởi vì có rất ít người thừa nhận mình mắc bệnh, sở dĩ như vậy bởi vì dù bệnh gây ra nhiều đau khổ nhưng họ lại xấu hổ khi phải nói ra mình bị những ý nghĩ và hành vi lặp lại hành hạ, điều này ngăn cản họ đi chữa bệnh, dẫn đến con số thống kê người mắc bệnh không tương xứng với thực tế. Tính trung bình một người phải tìm đến từ 3 đến 4 bác sĩ trong khoảng thời gian 9 năm mới có được chẩn đoán chính xác và phải mất tới 17 năm để có được các trị liệu hợp lý tính từ thời điểm bắt đầu bị bệnh.
Nghiên cứu của Học viện Sức khỏe Tâm thần Hoa Kỳ (NIMH) cung cấp những kiến thức mới cho thấy tính phổ biến của căn bệnh này. Kết quả của NIMH cho thấy rối loạn ám ảnh cưỡng chế ảnh hưởng đến hơn 2% dân số, có nghĩa là căn bệnh này phổ biến hơn bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, rối loạn hoảng sợ. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ảnh hưởng đến tất cả các dân tộc. Nam và nữ có tỉ lệ mắc bệnh như nhau. Ở Mỹ, OCD ảnh hưởng đến khoảng 2,2 triệu người trưởng thành, bệnh thường đi kèm với rối loạn ăn uống, các rối loạn lo âu khác và trầm cảm.
Hơn 50% người bệnh OCD khởi phát triệu chứng một cách đột ngột. 50-70% phát bệnh sau khi có các sang chấn tâm lý như có thai ngoài ý muốn, bị cưỡng bức tình dục, mất người thân…
4. Đặc điểm chung của bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Hầu hết những người mắc hội chứng ám ảnh cưỡng chế đều có những triệu chứng sau đây:
- Hay tự tưởng tượng ra những hình ảnh đồi trụy hoặc bạo lực.
- Sợ làm ra các hành động đáng xấu hổ hay làm hại đến bản thân và người khác.
- Đặt ra yêu cầu tính hệ thống và ngăn nắp cao đối với tất cả mọi thứ.
- Có cảm giác ghê tởm khi nhìn thấy chất thải, rác, hoặc ở trong một không gian bừa bộn, bẩn thỉu.
- Thường xuyên giật mình tỉnh dậy giữa đêm để kiểm tra xem các cửa đã khóa chưa, thiết bị trong nhà đã được tắt hết hay chưa.
- Luôn sắp xếp các đồ dùng trong nhà như: giày dép, quần áo, chén đũa,… theo một trật tự nhất định mới có cảm giác dễ chịu.
- Liên tục rửa tay kể cả khi ra ngoài và lúc ở nhà vì luôn có ám ảnh rằng vi khuẩn sẽ bám lên da.
- Tự động đếm số bậc thang, ô cửa sổ xung quanh một cách vô thức.
- Nói thầm với bản thân nhiều lần.
5. Nguyên nhân dẫn đến bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Ngoài tìm hiểu OCD là gì, mọi người cần phải biết nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này. Thực tế, bệnh OCD (tức bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế) xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể mắc bệnh bởi sự kết hợp từ nhiều lý do chứ không nhất thiết chỉ vì một điều gì đó. Theo các nhà tâm thần học, bệnh OCD được gây ra do những nguyên nhân sau đây:
- Yếu tố sinh học: Sự thay đổi của não hoặc cơ thể khiến cho người bệnh xuất hiện những ý nghĩ ám ảnh và thực hiện những hành động vô nghĩa một cách cưỡng chế.
- Yếu tố môi trường: Dựa trên những nghiên cứu, các bác sĩ kết luận rằng bệnh OCD có thể xuất phát từ những hành vi được thực hiện trong thời gian dài hình thành nên thói quen. Điển hình như thói quen kiểm tra tắt bếp thường xuyên.
- Yếu tố khác: Những ý nghĩ mang tính chất hoang tưởng có thể xuất hiện ở bệnh nhân do sự thiếu hụt Serotonin – một chất hóa học rất cần thiết cho bộ não. Ngoài ra, các bác sĩ cũng đưa ra bằng chứng cho thấy ở trẻ em bị nhiễm liên cầu khuẩn tán huyết beta và liên cầu nhóm A có khả năng mắc bệnh cao hơn so với những trẻ khác.
Ngoài những nguyên nhân được liệt kê ở trên, nhiều bác sĩ còn chia sẻ về yếu tố nguy cơ đối với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Những yếu tố này có thể góp phần làm tăng khả năng mắc bệnh hay cũng có thể là nguyên nhân khởi phát bệnh nhưng chưa được chứng minh. Cụ thể các yếu tố này là:
- Tiền sử gia đình: Có người thân, cha, mẹ, ông, ba có một trong những rối loạn về mặt tâm lý thì khả năng phát triển bệnh khá cao.
- Các sự kiện trong đời sống có tính chất căng thẳng quá cao: Đối với những người nhạy cảm, có những phản ứng mạnh mẽ khi đối diện với căng thẳng thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Đặc biệt, chính những phản ứng này có thể làm nảy sinh những ý nghĩ xâm chiếm đời sống tinh thần khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, bức bách. Đồng thời, xuất hiện những hành vi mang tính ép buộc họ phải thực hiện.
Mặc dù vẫn chưa có cơ sở kết luận nhưng theo các bác sĩ, ở phụ nữ mang thai hoặc những người vừa trải qua giai đoạn sinh nở thường có khả năng mắc bệnh cao hơn người bình thường.
6. Biểu hiện của bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Ngoài thắc mắc OCD là gì thì nhiều bạn đọc cũng muốn tìm hiểu về các triệu chứng của căn bệnh này. Thực tế, các dấu hiệu của bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế không được nêu cụ thể, tuy nhiên chúng đều có đặc trưng chung là sự xuất hiện các ý nghĩ và hành vi vô nghĩa.
Chính những ý nghĩ gây ám ảnh cho người bệnh cứ lặp đi lặp lại, bắt buộc họ phải thực hiện những hành vi với tần suất cao một cách vô lý. Tuy nhiên, nếu không thỏa mãn những hành vi này, họ sẽ cảm thấy rất lo lắng, ám ảnh đến mức cưỡng bức họ phải thực hiện điều đó.
Theo các bác sĩ, chuyên gia tâm lý thì bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế có hai đặc trưng, cụ thể là:
6.1 Ý nghĩ ám ảnh
Các bạn có thể hiểu ám ảnh là những ý nghĩ, hình ảnh, suy nghĩ xuất hiện với tần suất lớn, liên tục trong thời gian dài khiến con người cảm thấy rất mệt mỏi. Bên cạnh đó, những ý nghĩ này gây ra những sợ hãi có thể mang tính chất hoang tưởng khiến người bệnh lo âu quá độ. Chẳng hạn như bệnh nhân cảm thấy sợ hãi quá mức về sự sạch sẽ hoặc một việc nào đó phải thực sự hoàn hảo, chỉnh chu từng tí một.
Một số chủ đề phổ biến ở bệnh nhân OCD thường bị ám ảnh là:
- Sợ dơ bẩn.
- Sợ gây tổn thương cho người khác.
- Sợ bị mắc lỗi, làm sai.
- Sợ không được thừa nhận.
- Thường quan trọng quá mức về sự chính xác và cân bằng.
- Sự nghi ngờ ở mức độ cao.
6.2 Hành vi cưỡng chế
Chính những ý nghĩ về một nỗi lo cứ xuất hiện dồn dập, liên tục khiến người bệnh buộc phải thực hiện những hành vi mang tính chất cưỡng chế để giải tỏa ý nghĩ của mình. Những hành động này thường lặp đi lặp lại nhiều lần để ngăn chặn hoặc làm giảm bớt nỗi lo của người bệnh. Đôi khi, những hành vi cưỡng chế được thực hiện nhằm ngăn chặn một điều tồi tệ gì đó sẽ không xảy ra.
Điển hình như ở bệnh nhân mắc OCD về sự sợ bẩn, họ thường phải rửa tay liên tục và kiểm tra xem tay có thực sự sạch chưa để trấn áp nỗi lo sợ của bản thân. Một số người phải rửa tay nhiều đến mức khiến da bị mỏng và đỏ ửng lên thì họ mới yên tâm là tay đã sạch và được loại bỏ vi khuẩn hoàn toàn.
Một số hành vi cưỡng chế thường xuất hiện ở bệnh nhân mắc OCD là: rửa hoặc làm sạch (một bộ phận trên cơ thể hoặc đồ dùng), đếm, thực hiện kiểm tra nhiều lần liên tục, yêu cầu về sự chắc chắn, thực hiện một hành đồng với tần suất cao một cách liên tục, đúng vị trí – trật tự.
7. Chấn đoán và điều trị bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Chẩn đoán rối loạn ám ảnh cưỡng chế chủ yếu dựa trên biểu hiện lâm sàng. Khi thăm khám, bệnh nhân nên trung thực thông báo với bác sĩ các suy nghĩ, hành vi bất thường để quá trình chẩn đoán diễn ra thuận lợi.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường được điều trị chủ yếu bằng thuốc và kết hợp phương pháp tâm lý trị liệu, hành vi. Bệnh lý này hoàn toàn có thể chữa trị hoàn toàn được nếu tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Các phương pháp điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế bao gồm:
7.1 Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc được cân nhắc đối với một số bệnh nhân bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Thuốc có thể giảm nhẹ các hành vi cưỡng chế và suy nghĩ ám ảnh ở bệnh nhân. Tuy nhiên, thuốc chỉ giúp cải thiện triệu chứng tạm thời, hoàn toàn không có khả năng chữa trị bệnh dứt điểm. Vì vậy, sử dụng thuốc thường được áp dụng song song với trị liệu nhận thức và hành vi.
Các loại thuốc được dùng trong điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) chủ yếu là thuốc chống trầm cảm 3 vòng nhóm ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonin.
Các loại thuốc được sử dụng phổ biến, bao gồm:
- Fluoxetine
- Clomipramine
- Sertraline
- Paroxetine
- Fluvoxamine
7.2 Các biện pháp tự cải thiện
Ngoài sử dụng thuốc, bệnh nhân cần có những biện pháp cải thiện để đối phó với hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Trên thực tế, các biện pháp này phần nào có thể giảm nhẹ các hành vi, suy nghĩ bất thường.
Các biện pháp tự cải thiện rối loạn ám ảnh cưỡng chế bệnh nhân có thể áp dụng:
- Chia sẻ tình trạng sức khỏe cho bạn bè và người thân để nhận được sự trợ giúp. Thực tế cho thấy, sự động viên, chia sẻ từ những người xung quanh có thể giúp tinh thần bệnh nhân tốt lên và chủ động hơn trong quá trình điều trị.
- Đối với những tác nhân gây ra sự ám ảnh về suy nghĩ và hành vi, nên học cách ghi chép lại để xua tan cảm giác lo âu, đặc biệt là trong trường hợp thường xuyên kiểm tra lại những việc vừa làm.
- Ngủ đủ giấc, đúng giờ cũng có thể giảm bớt những suy nghĩ ám ảnh ở bệnh nhân mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
- Tham gia vào hoạt động xã hội để ít có thời gian cho các hành vi và suy nghĩ bất thường.
- Tập thể dục thường xuyên và ăn uống cũng là biện pháp giúp cải thiện sức khỏe tinh thần. Qua đó giảm nhẹ phần nào các suy nghĩ và hành vi do hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế gây ra.
- Sau thời gian học tập – làm việc, nên nghỉ ngơi kết hợp với các biện pháp giúp giảm căng thẳng, lo âu như hít thở sâu, ngồi thiền, tắm nước ấm và liệu pháp mùi hương.
7.3 Liệu pháp tâm lý
Hầu hết bệnh nhân bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế đều cần đến sự can thiệp của phương pháp tâm lý (liệu pháp hành vi và liệu pháp nhận thức). Tại nhiều quốc gia trên thế giới phương pháp tâm lý trị liệu được sử dụng trong điều trị bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế để giảm thiểu khả năng gây biến chứng, tác dụng phụ khi phải dùng đến thuốc chữa bệnh.
- Liệu pháp hành vi:
Liệu pháp hành vi đối với người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế bao gồm 2 kỹ thuật:
- Một là bộc lộ các suy nghĩ bị ám ảnh để giảm bớt sự căng thẳng, lo âu
- Hai là thực hiện một số kỹ thuật nhằm ngăn chặn các suy nghĩ ám ảnh và các hành vi cưỡng chế
Ban đầu, các kỹ thuật này làm giảm hành vi cưỡng bức và suy nghĩ ám ảnh. Theo thời gian, các triệu chứng này có thể hoàn toàn thuyên giảm. Ngoài ra, liệu pháp hành vi còn có tác dụng giảm lo âu và cải thiện tâm trạng của bệnh nhân đáng kể.
- Liệu pháp nhận thức:
Phương pháp nhận thức giúp người bệnh đánh giá lại sự lo âu quá mức, mối nguy hiểm của các sự vật, sự việc. Qua đó giảm các suy nghĩ ám ảnh như nhiễm vi trùng, vi khuẩn, sự sợ hãi,…trong cuộc sống.
Để đạt hiệu quả cao trong điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế, bệnh nhân cần lựa chọn địa chỉ điều trị tâm lý uy tín với phương pháp trị liệu phù hợp, khoa học. Tại Việt Nam, phương pháp tâm lý trị liệu còn chưa quá phổ biến nên nhiều người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường không nhận ra mình bị bệnh hoặc chỉ biết tìm đến các cơ sở y tế để điều trị. Hiện nay đã có nhiều trung tâm ứng dụng trị liệu tâm lý vào điều trị các triệu chứng rối loạn tâm thần nói chung, rối loạn ám ảnh cưỡng chế nói riêng nhưng phác đồ chưa được nghiên cứu sâu nên hiệu quả còn hạn chế.
Tham khảo thêm:
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có nguy hiểm không?
- Bài test rối loạn ám ảnh cưỡng chế chính xác trong 2 phút
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có chữa được không?
Với những chia sẻ trên đây, hy vọng các bạn đã hiểu rõ bệnh OCD là gì. Đồng thời, mọi người cũng biết được các nguyên nhân gây ra bệnh, các yếu tố nguy cơ để chủ động phòng tránh bệnh. Các căn bệnh tâm lý thường để lại những ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đời sống của chúng ta. Do đó, mọi người nên quan tâm và chăm sóc cả sức khỏe tinh thần và thể chất.