Huyết áp là áp lực trong lòng mạch mà tim có thể vượt qua để bơm máu ra hệ thống tuần hoàn. Bất kì sự dao động quá mức nào của huyết áp cũng là một nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe. Tuy không được nhắc đến nhiều như huyết áp cao nhưng huyết áp thấp vẫn có thể gây nguy hiểm do máu không được cung cấp đủ đến tim, não và các bộ phận khác. Vậy chỉ số huyết áp bao nhiêu là thấp? Cùng tìm kiếm câu trả lời qua bài viết nhé!
Chỉ số huyết áp bao nhiêu là thấp?
Huyết áp được biểu đạt bằng hai chỉ số. Chỉ số đầu tiên thường cao hơn là huyết áp tâm thu hay còn gọi là áp lực trong lòng động mạch khi tim co bóp và đẩy máu. Chỉ số thứ hai nhỏ hơn là huyết áp tâm trương hay áp suất trong lòng động mạch khi tim nghỉ giữa hai lần co bóp. Chỉ số huyết áp bình thường là 120/80 mmHg (huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương).
Huyết áp thấp là khi chỉ số huyết áp tâm thu nhỏ hơn 90 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn 60 mmHg, kết quả này đo được khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi.
Một người khỏe mạnh bình thường khi đo thấy chỉ số huyết áp thấp thường không có triệu chứng gì và không cần điều trị vì đây không phải là bệnh. Tuy nhiên, khi được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán bệnh huyết áp thấp, người bệnh cần phải được theo dõi và điều trị, đặc biệt đối với người già, người bệnh mạn tính bởi huyết áp thấp có thể gây nguy hiểm do máu không đủ đến tim, não hoặc các bộ phận khác trong cơ thể.
Nguyên nhân gây huyết áp thấp
Có nhiều nguyên nhân gây ra huyết áp thấp như:
- Huyết áp thấp sinh lý do di truyền hoặc do sống ở vùng núi cao.
- Khi không đủ thể tích máu trong lòng mạch cũng gây huyết áp thấp. Điều này xảy ra khi cơ thể bị mất máu hoặc mất nước kéo dài, nghĩa là cơ thể không có đủ lượng dịch cần thiết để lưu thông. Mất nước có thể là do: không uống đủ nước, tiêu chảy nặng hoặc nôn ói nhiều, đổ mồ hôi nhiều.
- Huyết áp thấp do suy giảm chức năng của tim dẫn đến tim co bóp yếu.
- Hệ thống thần kinh thực vật không tự điều chỉnh được dẫn đến tụt huyết áp tư thế và một số hormone trong cơ thể có nhiệm vụ kiểm soát mạch máu hoạt động không bình thường
- Huyết áp thấp ở phụ nữ mang thai khá phổ biến.
- Suy giảm hoạt động của tuyến giáp (nhược giáp): thiếu hụt hàm lượng hoocmon của tuyến giáp cũng gây ra huyết áp thấp.
- Bệnh tiểu đường hoặc lượng đường trong máu hạ thấp (hạ đường huyết)
- Hạ huyết áp do kiệt sức, do nhiệt hoặc cảm nhiệt
- Một số loại thuốc điều trị bệnh như thuốc trị cao huyết áp, trầm cảm hoặc thuốc trị Parkinson… cũng có thể gây hạ huyết áp
- Cuộc sống căng thẳng kéo dài, môi trường ô nhiễm, khuynh hướng lạm dụng độc chất, tình trạng béo phì, tình trạng suy dinh dưỡng… đều có thể gây ra bệnh huyết áp thấp.
- Bệnh huyết áp thấp có thể có thể đi kèm với một vấn đề khác như: bệnh tiểu đường, Parkinson, suy tim, loạn nhịp tim, phì đại hoặc giãn nở các mạch máu, bệnh gan… Ngoài ra, người cao tuổi cũng thường có nguy cơ cao mắc bệnh huyết áp thấp cao hơn so với những người trẻ.
Trong một số trường hợp, huyết áp có thể giảm đột ngột do:
- Mất máu cấp do xuất huyết
- Nhiệt độ cơ thể hạ thấp – hạ thân nhiệt.
- Nhiệt độ cơ thể quá cao có thể sốc nhiệt
- Nhiễm trùng máu (nhiễm trùng huyết nặng)
- Phản ứng dị ứng trầm trọng hay còn gọi là phản ứng quá mẫn.
Phòng ngừa huyết áp thấp như thế nào?
Để phòng ngừa bệnh huyết áp thấp cũng như cải thiện triệu chứng của bệnh, chúng ta nên:
- Hạn chế thức khuya
- Nên giữ ấm cơ thể khi ngủ
- Hạn chế ra ngoài khi trời nắng gắt
- Mỗi khi muốn thay đổi tư thế cần vận động từng bước một, không nên trèo cao…
- Duy trì việc vận động nhẹ nhàng vừa phải như đi bộ.
- Kê gối thấp khi đi ngủ
- Đối với người già từ 50 tuổi trở lên cần phải theo dõi huyết áp thường xuyên.
- Cần chú trọng đến các biểu hiện bất thường của cơ thể
- Thường xuyên theo dõi huyết áp.
Như vậy, chắc hẳn bạn đã biết huyết áp bao nhiêu là thấp? Và cách phòng ngừa hiệu quả. Nếu không chắc chắn về tình trạng huyết áp của mình, bạn nên nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ tại các bệnh viện uy tín.