Ung thư cổ tử cung có mối liên hệ mật thiết với virus HPV. Có đến 99% trường hợp phụ nữ mắc bệnh trước đây đều nhiễm loại virus này, trong đó có 2 chủng nguy cơ cao là type 16 và 18. Cách điều trị ung thư cổ tử cung sẽ tùy thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh, phát hiện càng sớm thì tỷ lệ điều trị thành công càng cao.
1. Những cách chữa ung thư cổ tử cung
Với sự phát triển vượt bậc của y học, nhiều bệnh ung thư hiện nay có thể điều trị dứt điểm, trong đó có ung thư cổ tử cung. 3 phương pháp điều trị cơ bản vẫn là phẫu thuật, hóa và xạ trị, ngoài ra còn 1 số phương pháp bổ trợ khác.
Có thể bạn quan tâm:
- Hướng dẫn cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung cho chị em
- Những dấu hiệu ung thư cổ tử cung mà bạn cần biết
- Đối tượng dễ mắc Ung thư cổ tử cung là ai? Có gì cần lưu ý?
1.1. Phẫu thuật
Trong điều trị ung thư cổ tử cung, phẫu thuật là phương pháp chính có thể loại bỏ khối u hoàn toàn cùng với một phần cổ tử cung hoặc toàn bộ tử cung. Có nhiều kỹ thuật phẫu thuật trong điều trị bệnh, chia thành 2 nhóm chính như sau:
Phẫu thuật bảo tồn khả năng sinh sản
Bệnh nhân trẻ tuổi vẫn muốn tiếp tục sinh con và khối u ung thư kích thước nhỏ, ở dạng khu trú thì phẫu thuật bảo tồn khả năng sinh sản được ưu tiên. Bác sĩ sẽ xem xét lựa chọn 1 trong các phương pháp sau:
- Phẫu thuật khoét chóp: Dùng LEEP hoặc Laser.
- Phẫu thuật lạnh bằng Nitơ lỏng.
- Phẫu thuật cắt bằng điện.
Với những phẫu thuật này, bệnh nhân sau điều trị vẫn có thể mang thai và sinh con song vẫn có ảnh hưởng nhất định.
Phẫu thuật hoàn toàn mất khả năng sinh sản
Hầu hết trường hợp ung thư cổ tử cung giai đoạn tiến triển, đã lan rộng đến lớp biểu mô cổ tử cung, hạch bạch huyết và các mô lân cận thì phẫu thuật tại chỗ không thể giải quyết được hoàn toàn bệnh. Bệnh nhân lúc này cần phẫu thuật cắt bỏ tử cung, các cơ quan vùng chậu tùy theo mức độ di căn bệnh:
- Phẫu thuật cắt bỏ một phần tử cung: Cổ tử cung, thân tử cung được cắt bỏ bằng mổ mở ổ bụng hoặc mổ nội soi.
- Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tử cung: Ngoài tử cung, các vùng lân cận có thể đã di căn ung thư cũng được cắt bỏ như: phần trên âm đạo, ống dẫn trứng, buồng trứng,…
- Phẫu thuật cắt bỏ cơ quan vùng chậu: Toàn bộ tử cung, âm đạo, buồng trứng, trực tràng, bàng quang đều phải cắt bỏ khi ung thư lan rộng và xuất hiện với số lượng nhiều tại vùng bụng dưới và vùng chậu.
1.2. Xạ trị
Xạ trị có thế điều trị riêng lẻ hoặc kết hợp với hóa trị, phẫu thuật để tăng hiệu quả tiêu diệt ung thư. Ung thư cổ tử cung có thể áp dụng 1 hoặc cả hai cách sau:
Xạ trị trong cơ thể
Một máy chiếu xạ kích thước nhỏ sẽ được đặt ghép gần tử cung để tiêu diệt tế bào ung thư, hiệu quả với các trường hợp bệnh nhân giai đoạn đầu.
Xạ trị ngoài cơ thể
Máy chiếu xạ kích thước nhỏ tiện lợi song không thể chiếu ra tia X năng lượng cao với số lượng nhiều và liên tục nên không thể áp dụng cho trường hợp ung thư nặng, nhiều tế bào bệnh khắp cơ thể. Lúc này cần thực hiện bằng máy chiếu xạ lớn, chiếu quanh tử cung với liệu trình 1 ngày/lần, mỗi tuần 5 lần kéo dài từ 5 – 6 tuần.
1.3. Hóa trị
Hóa trị hiệu quả trong điều trị ung thư đã di căn rộng đến nhiều cơ quan, lúc này phẫu thuật và xạ trị đều không đạt được hiệu quả tốt. Tuy nhiên, điều trị ung thư bằng hóa trị khiến bệnh nhân gặp nhiều tác dụng phụ như: Tiêu chảy, rụng tóc, nôn, mệt mỏi, nhiệt miệng, chán ăn, mãn kinh sớm,…
Ngoài 3 phương pháp chính, 1 số phương pháp tiên tiến cũng đang được nghiên cứu áp dụng trong điều trị ung thư cổ tử cung song chi phí tương đối cao.
- Liệu pháp điều trị trúng đích: Dùng thuốc có tác dụng ngăn cản hình thành mạch máu mới quanh khối u ung thư, từ đó làm giảm sự phát triển và teo nhỏ khối u.
- Liệu pháp miễn dịch: Thuốc Keytruda tiêm tĩnh mạch là liệu pháp cuối cùng khi bệnh nhân ung thư cổ tử cung không đáp ứng điều trị với hóa – xạ trị.
2. Bác sĩ chỉ rõ cách điều trị ung thư cổ tử cung theo từng giai đoạn
Lựa chọn phương pháp điều trị độc lập hay kết hợp dựa trên giai đoạn bệnh cũng như tình trạng sức khỏe có đáp ứng được điều trị hay không.
2.1. Ung thư cổ tử cung giai đoạn 0
Khi khối u còn ở dạng khu trú, phẫu thuật cắt bỏ khối u bảo toàn khả năng sinh sản là cách điều trị ung thư cổ tử cung phổ biến và đạt hiệu quả tốt.
2.2. Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1
Bệnh nhân có mong muốn bảo toàn khả năng sinh sản thường được chỉ định phẫu thuật khoét chóp loại bỏ khối u ung thư, có thể xạ trị sau đó để tiêu diệt tế bào bệnh còn sót lại. Nếu không có mong muốn tiếp tục sinh con, phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ cổ tử cung, tử cung sẽ giúp loại bỏ khối u và tế bào ung thư đang tiến triển di căn tốt hơn,…
2.3. Ung thư cổ tử cung giai đoạn 2
Cách điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 ban đầu thường là hóa xạ trị kết hợp. Nếu khối u chưa lan rộng khắp vùng chậu thì phẫu thuật loại bỏ cổ tử cung và nạo vét hạch sẽ đạt kết quả tốt.
Có thể bạn quan tâm:
- Tìm hiểu về bệnh ung thư vòm họng và cách điều trị
- Nấm da và những thông tin quan trọng về căn nguyên của bệnh
2.4. Ung thư cổ tử cung giai đoạn 3 và 4A
Lúc này tế bào ung thư đã xâm lấn nhiều đến các vùng lân cận nên phẫu thuật cắt tử cung không thể loại bỏ hoàn toàn tế bào bệnh. Phác đồ hóa – xạ trị kết hợp thường được áp dụng với xạ trị kết hợp trong và ngoài cơ thể.
2.5. Ung thư cổ tử cung giai đoạn 4
Điều trị phẫu thuật cắt bỏ cũng như hóa xạ trị chỉ có thể giảm sự tiến triển của bệnh, không thể điều trị hiệu quả do tế bào ung thư đã di căn đến nhiều cơ quan. Liệu pháp trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch có thể đạt hiệu quả, giúp bệnh nhân giảm đau đớn.
Có rất nhiều cách điều trị ung thư cổ tử cung song hầu hết chỉ đạt hiệu quả tốt khi phát hiện bệnh sớm, thực hiện kịp thời với sự hướng dẫn của bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm.