Căn bệnh nấm móng tay hiện đang là ác mộng của nhiều người đang mắc phải, gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày của những người mắc bệnh. Tuy vậy vẫn còn rất nhiều người chưa hiểu được sự nguy hiểm của căn bệnh này. Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn có nhận thức đúng đắn hơn về căn bệnh này.
Nấm móng tay là bệnh gì? Nguyên nhân gây bệnh
Nấm móng tay là một tình trạng phổ biến bắt đầu từ đốm trắng hoặc vàng dưới đầu móng tay hoặc móng chân của người bệnh. Sau khi nấm bị nhiễm sâu hơn, nấm móng có thể khiến móng tay bạn dày lên và vỡ vụn ở mép và bị đổi màu.
Móng tay là một bộ phận của ngón tay, có vai trò bảo vệ các đầu ngón tay khỏi thương tích, đồng thời tăng thêm vẻ đẹp cho bàn tay. Việc ở móng tay xuất hiện nấm có thể dẫn đến tình trạng tổn thương móng, thậm chí phần thịt bên trong móng gây nguy hiểm cho cơ thể đồng thời gây mất thẩm mỹ.
Nấm móng tay có nguy hiểm hay không?
Đây là loại bệnh nguy hiểm và có nguy cơ tái phát rất cao nếu không điều trị kịp thời hay không điều trị dứt điểm. Đặc biệt nấm móng có thể lây lan sang các móng lành khác làm tình trạng bệnh lý nặng hơn.
Bệnh này thường ít xảy ra ở trẻ em mà thường gặp nhiều ở người lớn. Người mắc bệnh này đa số là những người thường xuyên làm việc đồng áng, người có tiếp xúc nhiều với các môi trường không sạch sẽ tồn tại nhiều loại sinh vật.
Vì sao bị nấm móng?
Nguyên nhân gây nên nấm móng tay là do móng bị nhiễm một số loại vi nấm có hại. Có 2 loại nấm chủ yếu gây nên căn bệnh này đó là nấm sợi tơ ( bao gồm Trichophyton, Dermatophytes…) và nấm hạt men Candida. Các loại nấm này nếu gặp điều kiện thích hợp sẽ phát triển mạnh mẽ gây nên bệnh nấm móng. Dưới đây là một số nguyên nhân gây nên bệnh nấm móng:
- Môi trường ẩm ướt: Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật sinh sôi và phát triển trong đó có vi nấm. Nếu khu vực sinh sống của bạn hay ẩm ướt là điều kiện rất thuận lợi cho nấm phát triển. Ngoài ra những người dễ tiết mồ hôi cũng có nguy cơ nhiễm nấm nhiều hơn người bình thường.
- Tiếp xúc trực tiếp hay dùng chung đồ vật cá nhân với người bệnh cũng là lý do tăng nguy cơ bị nấm móng.
- Người mắc các bệnh lý về suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, HIV/AIDS, nhiễm trùng máu cũng có khả năng mắc bệnh nấm móng cao hơn những người có hệ miễn dịch tốt
Nấm móng tay – Các triệu chứng lâm sàng
Nấm móng tay là một loại bệnh lý có các dấu hiệu đều biểu hiện ra bên ngoài và có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường. Dưới đây là một số triệu chứng hay gặp của bệnh nấm móng:
Lớp sừng trên móng dày hơn
Một trong những triệu chứng dễ dàng nhận thấy nhất ở bệnh nấm móng tay là lớp sừng trên móng trở nên dày một cách bất thường, biến dạng, dễ gãy và gây nên tình trạng đau nhức kéo dài. Đây là những dấu hiệu cho thấy nấm đang sinh sôi và phá vỡ cấu trúc móng.
Móng teo
Một triệu chứng khác của căn bệnh này đó là móng bắt đầu teo nhỏ dần từ hai bờ đến phần chân móng. Đi kèm theo với việc teo móng là móng bị mưng mủ cùng với việc đau nhức ở khu vực bị nấm
Móng chuyển màu bất thường
Ngoài hai triệu chứng trên, một triệu chứng khác thường gặp ở bệnh nấm móng tay là móng tay chuyển sang màu ngà, vàng hoặc nâu đen. Các vi nấm đa xâm nhập và làm thay đổi cấu trúc móng, khiến các tế bào móng bị phá hoại làm móng chuyển màu bất thường.
Bề mặt móng thay đổi
Móng không còn trơn bóng như bình thường mà trở nên xù xì, xuất hiện các vảy mịn, một số sọc ngang hoặc sọc dọc màu trắng. Ngoài ra, còn có thể kèm theo tình trạng móng xuất hiện một số mùi hôi khó ngửi.
Cách chữa nấm móng theo dân gian
Hiện nay có 2 cách điều trị nấm móng tay đó là dùng thuốc tây và sử dụng các biện pháp dân gian. Đối với những người dễ bị dị ứng với các thành phần của thuốc và những người không thích dùng thuốc tây thì các biện pháp dân gian là rất cần thiết.
Điều trị nấm móng bằng tỏi
Tỏi là một loại củ rất có lợi cho sức khỏe, chứa rất nhiều chất có lợi. Đặc biệt trong tỏi có chứa một loại kháng sinh tự nhiên có khả năng ức chế sự hoạt động của nấm cho nên hoàn toàn có thể sử dụng tỏi để điều trị nấm móng.
Cách điều trị nấm móng tay bằng tỏi: nấu nước sôi sau đó cho khoảng 5-10 tép tỏi tươi đã giã nhuyễn vào nấu chung sau đó để nguội và dùng phần nước này ngâm tay trong 15 phút. Kiên trì làm hằng ngày có thể làm giảm tình trạng nấm.
Dùng giấm táo để điều trị nấm móng
Trong giấm táo chứa nhiều chất chống oxy hóa và nhiều chất có ích trong việc kháng khuẩn, tiêu diệt vi nấm nên từ lâu đời, trong các bài thuốc dân gian giấm táo đã được dùng để điều trị nấm móng tay.
Cách dùng dấm táo để điều trị nấm móng: Pha một ít muối cùng với giấm táo với nước ấm sau đó dùng ngâm phần móng nhiễm nấm từ 15-20 phút. Nếu chăm chỉ làm hằng ngày thì sau khoảng 1 tuần tình trạng nấm sẽ cải thiện rõ rệt.
Lá trầu – Một vị thuốc quan trọng giúp trị nấm móng tay
Không ai nghĩ một loại lá thông thường như lá trầu lại có khả năng chữa trị một căn bệnh khó nhằn như bệnh nấm móng tay. Trong lá trầu có các thành phần giúp diệt nấm, làm giảm mùi hôi khó chịu do nấm gây ra.
Có 2 cách dùng lá trầu để điều trị nấm móng:
- Dùng lá trầu tươi đã rửa sạch đem giã nhuyễn cùng với muối sau đó đun với nước sôi trong khoảng 10 phút để là trầu tiết hết các chất ra. Tắt bếp để nước giảm nhiệt độ còn hơi ấm thì mang đi ngâm tay
- Dùng bã trầu đắp lên các vết nấm và để đó khoảng 5 phút sau đó mang đi rửa sạch
Nếu kiên trì thực hiện các cách điều trị trên thì chắc chắn có thể giúp cho tình trạng nấm móng của bạn giảm nhẹ đi rất nhiều. Nhưng vì đây là biện pháp dân gian tác động từ bên ngoài nên việc khỏi bệnh chậm là không tránh khỏi. Nếu đã lựa chọn điều trị bằng biện pháp dân gian thì các bạn nhất định phải kiên trì.
Cách điều trị nấm móng tay nhanh chóng và hiệu quả
Mặc dù có nhiều cách để điều trị nấm móng từ các biện pháp dân gian hay tây y nhưng cách nhanh chóng và hiệu quả nhất đó chính là điều trị theo phác đồ của tây y. Sau đây là các cách điều trị nấm móng theo tây y:
Dùng thuốc bôi ngoài da trị nấm móng tay
Đây là biện pháp được sử dụng nhiều nhất khi điều trị nấm móng. Biện pháp thích hợp với các trường hợp bệnh nhẹ, nấm đã phát triển nhưng không ảnh hưởng quá nhiều đến cấu trúc móng.
Để có thể lựa chọn được loại thuốc bôi phù hợp bạn có thể đến các phòng khám để được nghe bác sĩ tư vấn cũng như kê đơn. Nếu không muốn đến phòng khám, bạn có thể đến các nhà thuốc nhờ người bán ở đó tư vấn để mua được loại thuốc bôi phù hợp.
Các loại thuốc bôi thường được sử dụng là Ketoconazole, Terbinafin, Exoderil,… Bạn có thể dễ dàng tìm được loại thuốc này ở các tiệm thuốc tây. Cách bôi thuốc là bôi lên phần móng bị nhiễm nấm từ 2-3 lần/ngày.
Bôi thuốc bên ngoài kết hợp với uống thuốc
Biện pháp chữa nấm móng tay dành cho các tình trạng đã chuyển biến nặng: móng bị tổn thương nặng, mưng mủ, có mùi nặng và có thể có tình trạng hoại tử nhẹ ảnh hưởng lớn đến hoạt động thường ngày.
Đối với các trường hợp này ngoài phải uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ còn phải làm tiểu phẫu loại bỏ các vùng da bị mưng mủ, hoại tử sau đó kết hợp bôi thuốc theo đơn mới có thể khỏi. Quá trình này kéo dài khá lâu.
Lưu ý cần nhớ để phòng bệnh nấm móng
Nấm móng là một căn bệnh nguy hiểm và có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như hoại tử vùng da nhiễm bệnh, tăng nguy cơ nhiễm các bệnh lây qua đường máu… đồng thời làm mất thẩm mỹ, gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Vì vậy, việc phòng chống bệnh nấm móng là cực kỳ quan trọng
Giữ gìn vệ sinh cá nhân
Giữ gìn vệ sinh cá nhân là rất quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh về nấm móng tay. Luôn để móng tay sạch sẽ, cắt tỉa gọn gàng giúp loại bỏ môi trường cho vi nấm sinh sôi phát triển.
Ngoài ra, cần giữ bàn tay luôn sạch sẽ khô ráo bằng cách mang bao tay khi bắt buộc phải tiếp xúc với các môi trường không sạch sẽ, tránh để tay tiếp xúc với môi trường chất bẩn.
Bao tay, tất vớ cần giặt thường xuyên để loại bỏ các chất bẩn, các loại vi nấm tồn tại bên trong. Lựa chọn các loại bao tay, tất với có chất liệu thoáng mát, giảm đổ mồ hôi cũng là một vấn đề cần chú ý, giúp hạn chế điều kiện cho nấm phát triển.
Không sử dụng chung với người khác các đồ dùng cá nhân
Vì đây là một bệnh chủ yếu lây lan qua con đường tiếp xúc nên việc tránh tiếp xúc với các nguồn tiềm ẩn lây bệnh là hết sức cần thiết. Chúng ta không thể biết hết được ai là người mang bệnh, ai không mang nên việc ngăn chặn mọi con đường lây lan là rất quan trọng.
Tránh sử dụng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, găng tay, tất vớ với người khác. Đối với các người bệnh nấm móng tay cần hạn chế tiếp xúc, tránh dùng chung đồ với họ. Nếu đã tiếp xúc cần khử khuẩn và rửa tay sạch sẽ ngay lập tức. Nếu có các dấu hiệu bất thường xuất hiện sau khi tiếp xúc cần tiến hành điều trị ngay lập tức.
Kết luận
Hy vọng bài viết trên có thể giải đáp được hết tất cả các thắc mắc của mọi người về căn bệnh nấm móng tay. Đây là một căn bệnh khá nguy hiểm, khó điều trị dứt điểm và dễ tái phát nên mong mọi người hãy cẩn thận cũng như chú ý phòng tránh không để bản thân mắc phải.