Ung thư xương là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm đối với những bệnh nhân mắc phải. Bệnh không chỉ có tỷ lệ tử vong cao mà còn gây ra nhiều biến chứng và hệ luỵ xấu ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh như gây tàn phế, liệt tứ chi. Mời độc giả cùng tìm hiểu thêm về căn bệnh quái ác này qua bài viết dưới đây.
Ung thư xương là gì?
Ung thư xương hay còn gọi là u xương ác tính là căn bệnh xảy ra khi trong xương hình thành một khối u có kích thước bất kỳ hay một mô bất thường. U xương ác tính được xác định khi khối u này phát triển nhanh và mạnh lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
U xương ác tính là bệnh hiếm gặp với tỷ lệ 1% trong các loại ung thư nhưng đối tượng mắc phải căn bệnh này rơi vào độ tuổi rất trẻ, thông thường là từ 15-25 tuổi. Khối u ác tính thường xuất hiện ở bất kỳ ở vị trí nào trong cơ thể tuy nhiên các vị trí thường dễ phát hiện sớm nhất đó là xương chậu, xương chân và xương tay.
Phân loại u xương ác tính
U xương ác tính được phân ra làm nhiều loại dựa vào nguồn gốc, nguyên nhân gây nên bệnh ung thư và việc phân loại này giúp ích rất nhiều trong việc tìm ra hướng điều trị hiệu quả và tích cực nhất cho bệnh nhân. Thông thường u xương ác tính được chia làm hai loại từ hai nhóm nguyên nhân gây ra đó là:
Ung thư xương nguyên phát
Ung thư xương nguyên phát là dạng ung thư tự hình thành bắt nguồn từ trong xương hay các mô sụn xung quanh xương. Khối u ác tính xuất hiện ở các vị trí phổ biến như: xương chày, xương đùi, xương đầu trên cánh tay…
Ung thư nguyên phát bao gồm:
+ Đa u tủy (Multiple Myeloma): Các tế bào ung thư hình thành và phát triển ngay trong tủy xương gây ra khối u xương ác tính tại các xương khác nhau. Đây là loại u xương ác tính phổ biến thường gặp nhất ở các bệnh nhân điều trị.
+ Osteogenic Sarcoma: Ung thư sarcoma xương ảnh hưởng trực tiếp đến các mô cứng cung cấp lớp ngoài của xương. Bệnh khởi phát từ cơ hông, vai, các xương dài ở tứ chi và nhiều vị trí khác. Đối tượng chịu ảnh hưởng lớn là trẻ em trong độ tuổi vị thành niên, người trẻ dưới 30 tuổi.
+ Sarcoma sụn (Chondrosarcoma): U xương ác tính hình thành ở mô dưới sụn, thường gặp ở các vị trí như xương chậu, vai. Đây cũng là dạng ung thư xương thường gặp với đối tượng phổ biến hơn là người già.
+ Ewing’s Sarcoma: Biểu hiện của u xương thường ở cẳng tay chân, xương chậu, dọc xương sống. U xương ác tính bắt gặp ở mô mềm hoặc ngay trong xương, đây là một loại ung thư cực kỳ hiếm gặp với tỷ lệ thấp xảy ra ở trẻ em.
Ung thư xương thứ phát
Ung thư thứ phát còn gọi là ung thư di căn là loại u xương ác tính được lây lan từ các vị trí khác đến xương. Dạng thức ung thư này khá phổ biến hơn cả vì u ác tính ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể đều có thể di căn sang xương.
Các biểu hiện của u xương ác tính thứ phát thường không rõ ràng, đôi khi không có biểu hiện cụ thể. Tuy vậy ung thư này đôi khi còn được phát hiện trước cả những ung thư ở vị trí khác trên cơ thể là nguyên nhân gây ra nó.
Ung thư xương: Các dấu hiệu để nhận biết
Các dấu hiệu để nhận biết u xương ác tính thường có biểu hiện khác nhau ở từng giai đoạn. Tuy nhiên một số biểu hiện chung của bệnh được phản ánh qua các yếu tố dưới đây:
Đau nhức
Đau nhức là dấu hiệu được liệt kê đầu tiên đối với căn bệnh u xương ác tính. Các cơn đau bứt rứt, không xác định được cụ thể vị trí đau và gây ra các triệu chứng mất ngủ, trằn trọc vì thường xảy đến vào ban đêm.
Các cơn đau nhức sẽ tăng dần theo tình trạng diễn biến nặng hơn của bệnh. Ban đầu các cơn đau xuất hiện thỉnh thoảng, không liên tục và đau nhẹ, càng về sau thì cơn đau đến dồn dập, đau dữ dội và cần phải can thiệp bằng các loại thuốc giảm đau.
Sưng, nổi u cục là dấu hiệu của bệnh
Sưng và nổi u cục là biểu hiện của khối u xuất hiện trong xương. Khối u của ung thư xương gây sưng, biến dạng và nếu kéo dài thì các mô xương sẽ bị nhô ra ngoài có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường.
Vùng da tại vị trí u xương xuất hiện thường có màu hồng hơn và thường nóng hơn so với các vùng da khác. Có thể xuất hiện các cơn đau hoặc không khi trực tiếp ấn vào các vị trí có u xương nổi lên.
Rối loạn chức năng xương
Chức năng xương bị rối loạn do tình trạng sưng đau kéo dài khiến cho xương không còn đảm nhiệm đúng chức năng vốn có. Hệ quả nguy hại hơn là việc rối loạn này sẽ dẫn đến việc xương bị yếu, dễ gãy và teo các cơ liên quan.
Triệu chứng của ung thư xương: sự chèn ép
Sự chèn ép xuất hiện khi các khối u phát triển to dần trong từng bộ phận cơ thể. Tuỳ vào từng vị trí mà người bệnh có thể cảm nhận rõ ràng sự chèn ép đến từ các khối u như: khối u chèn ép xương chậu, u chèn ép cột sống…gây ra biểu hiện khác nhau như khó thở, tê liệt cột sống, khó tiểu và nhiều vấn đề khác.
Cơ thể suy nhược trầm trọng
Cảm giác mệt mỏi chán ăn thường xuất hiện kéo dài khiến cho cơ thể người bệnh bị suy nhược trầm trọng. Dấu hiệu của suy nhược biểu hiện rõ ràng ở sự nhợt nhạt thần sắc, giảm cân nhanh chóng, các biểu hiện bệnh lý như thay đổi màu nước tiểu, vàng mắt, vàng da hay bơ phờ, tâm lý bất ổn.
Tìm hiểu nguyên nhân gây ra căn bệnh nguy hiểm
Rất khó để tìm hiểu nguyên nhân chính xác gây ra bệnh ung thư xương ác tính. Các yếu tố được chỉ ra đó là:
Tăng trưởng tế bào bất thường
Các lần phân bào trong quá trình phát triển của cơ thể tồn tại gen biến dị tạo ra các khối mô và phát triển thành các khối u. Lý giải này cho biết vì sao người trẻ thường có xu hướng mắc căn bệnh này vì trong độ tuổi xương phát triển mạnh.
Phơi nhiễm phóng xạ dẫn đến ung thư xương
Xạ trị và phơi nhiễm phóng xạ cũng có thể là nguyên nhân gây ra u xương ác tính. Người có tiền sử tiếp xúc dài với các yếu tố xạ trị và phóng xạ có nguy cơ cao mắc căn bệnh này.
Bệnh lý về xương gây biến chứng
Các bệnh lý về xương nếu kéo dài và không có biện pháp can thiệp cũng sẽ có nguy cơ tiến triển thành ung thư xương. Ngoài quá phát sụn xương dài thì các bệnh sau có thể liên quan tới u xương ác tính:
+ Bệnh Paget xương: Xương phát triển bất thường sau khi bị gãy ở người lớn tuổi.
+ Loạn sản xơ xương: Xơ xương xuất hiện thay thế các mô lành trong xương, các mô xơ mềm lan rộng gây ra suy yếu xương dẫn đến xương mềm, giòn dễ gãy.
Chấn thương
Chấn thương ở xương tại các vùng khác nhau trên cơ thể cũng mang đến nguy cơ u xương phát triển tại các vị trí bị va đập. Tuy tỷ lệ này không cao nhưng khi gặp các chấn thương về xương nên chú ý thăm khám điều trị sớm để tránh những biến chứng khó lường có thể xảy ra.
Điều trị ung thư xương
Trong điều trị u xương ác tính có thể áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để phù hợp với tình trạng bệnh, thể trạng và sức khoẻ hiện tại của người bệnh. Thực tế thì ung thư nếu phát hiện sớm ở giai đoạn đầu hoàn toàn có thể kiểm soát và loại bỏ hoàn toàn. Các biện pháp có thể sử dụng kết hợp để làm tăng hiệu quả điều trị.
Sử dụng thuốc tây
Thuốc tây được sử dụng trong điều trị ung thư nhằm mục đích giảm đau, giảm các triệu chứng đi kèm như mệt mỏi, buồn nôn…Một số loại thuốc còn ức chế quá trình phát triển của tế bào ung thư giúp ngăn khối u lớn hơn.
Các loại thuốc tây được sử dụng trong điều trị ung thư bao gồm: các loại thuốc chống viêm, giảm đau, thuốc bảo vệ cấu trúc xương (bisphosphonates) hay thuốc hoá trị. Sử dụng thuốc cần tuân thủ theo chỉ định và phác đồ điều trị của Bác sĩ.
Phẫu thuật
Phẫu thuật ung thư xương là biện pháp được ưu tiên hàng đầu bởi vì nó giúp ngăn ngừa các khối u lây lan sang các vị trí gần xung quanh. Phương pháp này giúp giải quyết tận gốc khối u mang lại hiệu quả cao.
Hai dạng phẫu thuật phổ biến đó là phẫu thuật cắt bỏ khối u và phẫu thuật bảo tồn. Phẫu thuật tạo hình và tái tạo lại xương ban đầu được ưu tiên sử dụng tuy vậy đây là phương pháp khó và cần có nhiều yếu tố thuận lợi đi kèm mới có thể thực hiện thành công.
Hóa trị
Hoá trị là phương pháp giết chết một phần và thu nhỏ tế bào ung thư xương bằng thuốc. Hoá trị cũng giúp tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau khi thực hiện phẫu thuật. Khi hoá trị thì thuốc được tiêm trực tiếp vào mạch máu hoặc cơ và kết hợp nhiều phương pháp khác để đạt hiệu quả tối đa.
Xạ trị
Xạ trị ung thư xương được hiểu là việc sử dụng tia xạ có nhiệt lượng cao để tiêu diệt và ngăn ngừa các khối u đang phát triển. Phương pháp này gây tổn thương và thậm chí tiêu diệt tế bào ung thư đang phân chia nhằm ngăn không cho chúng phát triển mạnh hơn.
Quá trình xạ trị diễn ra trong khoảng thời gian thông thường mỗi đợt từ 5 ngày đến 1 tuần. Chu trình xạ trị lặp lại trong vòng từ 1 – 2 tháng.
Chế độ chăm sóc bệnh nhân ung thư xương
Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hàng ngày đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị u xương từ các phương pháp được chỉ định khác. Người bệnh cần xây dựng khẩu phần ăn hợp lý và lối sống lành mạnh, thể dục hàng ngày.
+ Nên ăn các thực phẩm bổ sung hỗ trợ sức khỏe, các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng có hàm lượng protein và calo cao. Các thực phẩm quen thuộc đó là thịt trứng sữa,các loại chất xơ, bơ thực vật..
+ Tuyệt đối không sử dụng chất kích thích, chất có cồn. Không hút thuốc lá, ăn các loại đồ ăn muối hoặc thực phẩm đóng hộp có chất bảo quản.
+ Duy trì chế độ rèn luyện, tập luyện thể dục thể thao vừa sức mỗi ngày. Thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, vận động mạnh.
Kết luận
Những vấn đề về ung thư xương được chúng tôi phân tích qua bài viết trên hy vọng cung cấp được cho độc giả những kiến thức bổ ích. Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, thăm khám tổng quát định kỳ để tầm soát sớm bệnh u xương ác tính để bảo vệ cuộc sống khỏe mạnh, chúc các bạn luôn vui khoẻ!